Các trận đánh tạo thế Trận_Kiev_(1943)

Chiến sự tại đầu cầu Bukrin

Ngày 15 tháng 9, Lữ đoàn trinh sát cơ giới cận vệ 22 của Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 3 (Liên Xô) đã dùng bè gỗ đổ bộ thành công 2 tiểu đoàn 23 và 70 sang bờ Tây sông Dniepr và chiếm được một bàn đạp nhỏ tại khu vực Rzhishchev-Bukrin, cách thị trấn Kanev hơn 20 km về phía tây bắc. Ngày 16 tháng 9, tướng K. S. Moskalenko, tư lệnh Tập đoàn quân 40 cho đổ bộ sang khu vực này Sư đoàn bộ binh 163 và hai tiểu đoàn pháo chống tăng 69 và 100 thuộc Lữ đoàn pháo chống tăng cận vệ 8, trang bị pháo 23 mm và 75 mm để mở rộng căn cứ bàn đạp. Ngày 20 tháng 9, Bộ Tư lệnh Phương diện quân Voronezh triển khai kế hoạch đổ bộ đường không của Quân đoàn dù số 3 xuống căn cứ đầu cầu. Theo kế hoạch, khu vực đầu cầu Bukrin sẽ trở thành bàn đạp chính để tấn công Kiev từ phía nam.

Ngày 22 tháng 9, Tập đoàn quân 40 tiếp tục đưa Quân đoàn bộ binh 51 vượt sang hữu ngạn Dniepr. Tập đoàn quân 27 cũng tổ chức cho Quân đoàn bộ binh 46 vượt sông sang khu vực Rzhishchev. Đêm 23 rạng ngày 24 tháng 9, cuộc đổ bộ của Quân đoàn đổ bộ đường không 3 (Liên Xô) với 180 máy bay vận tải Li-2 và IL-4 của Sư đoàn không quân 101 bắt đầu triển khai. Sư đoàn pháo tầm xa số 7 được đưa từ lực lượng dự bị của Bộ Tổng tham mưu quân đội Liên Xô đến Pereslav - Khmelnisky để yểm hộ cho cuộc đổ bộ. Toàn bộ 80 máy bay Yak-3, Yak-9, MiG-3 và La-5 của sư đoàn tiêm kích 228 cũng được huy động để yểm hộ cho đoàn máy bay vận tải và các tàu lượn. Do không trinh sát địa hình và địch tình cũng như sự kém cỏi của hoa tiêu và hệ thống dẫn đường từ mặt đất; ngay từ giờ đầu của cuộc đổ bộ, một tiểu đoàn của Lữ đoàn đổ bộ đường không 3 đã nhảy trúng đầu các đơn vị của Sư đoàn xe tăng 19 (Quân đoàn xe tăng 48-Đức) đang cơ động ra hướng Bukrin. Một nửa lữ đoàn đổ bộ đường không 5 nhảy dù xuống sông Dniepr. Yếu tố bất ngờ của cuộc đổ bộ đã bị mất.

Tập đoàn quân xe tăng 4 (Đức) lập tức được báo động. Ngày 25 tháng 9, tướng Hermann Hoth điều Sư đoàn cơ giới 10 theo sau sư đoàn xe tăng 19 tấn công căn cứ đầu cầu Bukrin từ phía tây bắc. Sư đoàn xe tăng 7 và Sư đoàn cơ giới 20 được điều từ Kiev xuống tấn công trực diện vào Bukrin. Ở hướng Kanev, Sư đoàn xe tăng 3 (Đức) một mặt giữ tuyến phòng thủ từ Buchakovo (???) đến Kanev, mặt khác điều Trung đoàn xe tăng 71 phối hợp với Sư đoàn bộ binh 255 tấn công khu vực Bukrin từ hướng tây nam. Ngày 27 tháng 9, các đơn vị xe tăng Đức đã cô lập 4 tiểu đoàn dù Liên Xô ở các làng Pin (???), Potaptsy (phía tây bắc Bukrin) và Trostyanets, Litvinyets. Chiều 27 tháng 9, các xe tăng Đức đã tiến đến tuyến Berezovka (???), Grushev, Kolesishe (???), Buchak.

Mặc dù phải ra lệnh rút nửa còn lại của Quân đoàn đổ bộ đường không 3 về lực lượng dự bị và kịch liệt quở trách Bộ tư lệnh Phương diện quân Voronezh cùng Nguyên soái G. K. Zhukov nhưng I. V. Stalin vẫn cảm thấy "tiếc" căn cứ bàn đạp này và ra lệnh tiếp tục đổ quân sang. Đến ngày 28 tháng 9, tại khu vực đầu cầu Bukrin đã tập trung 9 sư đoàn bộ binh và 2 tiểu đoàn xe tăng Liên Xô. Nhưng chừng đó là không thể đủ để đối phó với đòn phản kích của Tập đoàn quân xe tăng 4 (Đức).

Ngày 28 tháng 9, sau khi hội đủ 3 sư đoàn xe tăng, 1 sư đoàn cơ giới và 2 sư đoàn bộ binh thuộc các quân đoàn xe tăng 24 và 48, quân Đức bắt đầu ép các sư đoàn Liên Xô về phía bờ sông Dniepr. Ngày 29 tháng 9, quân Đức chiếm các làng Kanadl (???), Romashky, Malyi Bukrin, Kolesishe (???). Ngày 29 tháng 9, sư đoàn bộ binh 255 (Đức) bao vây Lữ đoàn bộ binh 60 (thuộc Quân đoàn bộ binh 51) tại làng Grigorovka, nơi có chiếc cầu phao thứ nhất bắc qua. Ngày 30 tháng 9, các sư đoàn xe tăng 7 và 20 (Đức) phát triển tấn công đến sông Dniepr ở thị trấn Monatyrysche, bao vây hai bên sườn cụ cứ điểm Zarubentsy (nơi có chiếc cầu phao thứ hai) do 3 sư đoàn bộ binh của Tập đoàn quân 40 chống giữ. Ở phía bắc, ngày 5 tháng 10, Sư đoàn xe tăng 19 (Đức) đánh chiếm các làng Belyi Bukrin (Malyi Bukrin) và Trakhtemirov trên bờ sông Dniepr. Tuy nhiên, mọi cố gắng của sư đoàn này nhằm tiêu diệt cứ điểm Khodorov của Lữ đoàn trinh sát cơ giới 22 thuộc Tập đoàn quân xe tăng 3 (Liên Xô) bên hữu ngạn Dniepr đều không thành công.

Đến đây thì quân Đức không thể tiến xa hơn nữa vì từ ngày 28 đến ngày 30 tháng 9, toàn bộ Tập đoàn quân 38 (Liên Xô) đã đổ bộ thành công sang căn cứ đầu cầu Lyutezh, chiếm lĩnh một căn cứ đầu cầu rộng 15 km, sâu 10 km ngay sát phía bắc Kiev. Tướng Hermann Hoth phải kéo các sư đoàn xe tăng về giữ mặt Bắc và nội đô Kiev, chỉ để lại sư đoàn cơ giới 10 và sư đoàn bộ binh 225 chặn giữ khu vực đầu cầu Bukrin.

Ở các khu vực đầu cầu Lyutezh và Chernobyl

Ngày 26 tháng 9, Tập đoàn quân 13 (khi đó thuộc Phương diện quân Trung tâm) đã vượt sông Dniepr trong hành tiến. Lợi dụng con sông nhỏ Pripyat án ngữ phía đông nam, Tướng Pukhov đã nhanh chóng đổ quân sang khu vực Novoshepelichi và Chernobyl, tạo thành một căn cứ đầu cầu nhỏ. Tuy nhiên, căn cứ đầu cầu này khá biệt lập. phía bắc là vùng đầm lầy Pripiat, phía đông là sông Dniepr, phía tây và tây nam là sông Pripiat, hợp lưu với sông Dniepr tại Đông Nam Chernobyl khoảng 20 km. Từ ngày 1 đến ngày 10 tháng 10, Quân đoàn xe tăng 56 (Đức) cố gắng hất Tập đoàn quân 13 (Liên Xô) trở lại tả ngạn sông Dniepr nhưng đều vấp phải sức kháng cự mạnh của các đơn vị pháo chống tăng Liên Xô. Địa hình đầm lầy cũng làm cho các xe tăng hạng nặng của Đức không phát huy được ưu thế cơ động. Đến ngày 10 tháng 10, Quân đoàn xe tăng 56 (Đức) phải ngừng công kích sau khi chiếm được thị trấn Novoshepelichi. Tập đoàn quân 13 (Liên Xô) vẫn giữ được Chernobyl và còn phát triển lên phía bắc, đánh chiếm thị trấn Kolyban (???), tạo thành một chỗ lồi nguy hiểm đe dọa sườn phía nam của Cụm tập đoàn quân 2 (Đức) và cánh cực Bắc của Tập đoàn quân xe tăng 4 (thuộc Cụm tập đoàn quân Nam).

Trong một hành động tương tự, ngày 29 tháng 9, các chi đội phái đi trước của Tập đoàn quân 38 (Liên Xô) sau khi áp sát sông Dniepr đã đổ bộ sang Novi Petrovtsy trên hữu ngạn sông Dniepr. Tận dụng tình thế các sư đoàn xe tăng của Tập đoàn quân xe tăng 4 (Đức) còn đang ở phía nam Kiev để đối phó với căn cứ bàn đạp Bukrin, tướng N. E. Chibitsov, tư lệnh tập đoàn quân 38 đã hạ lệnh cho chủ lực tập đoàn quân vượt sông, đánh chiếm thêm thị trấn Kozarovichi ở phía bắc. Ngày 30 tháng 9, hai căn cứ nhỏ đã được nối liền tại Svaromye (???). Tập đoàn quân 38 tiếp tục đột phá về phía tây, đánh chiếm các cứ điểm Lyutezh và Moshchun; hình thành một bàn đạp rộng 10 km, sâu 10 km. Tuy nhỏ hơn đầu cầu Bukrin nhưng đầu cầu Lyutezh ở khác gần phía bắc Kiev. Cho đến ngày 12 tháng 10, khi nắm được tình hình phức tạp tại phía bắc Kiev, tướng Hermann Hoth mới điều lực lượng xe tăng chủ yếu của Tập đoàn quân xe tăng 4 từ Bukrin lên. Mất mấy ngày hành quân bằng đường bộ, khi các quân đoàn xe tăng Đức tập hợp được những lực lượng còn lại và bắt đầu chuyển quân thì Tập đoàn quân 38 (Liên Xô) đã tổ chức vững chắc căn cứ đầu cầu khiến Sư đoàn xe tăng 8 và Quân đoàn bộ binh 13 (Đức) phải thất bại khi đột phá để xóa căn cứ bàn đạp này.

Vào thời điểm quyết định tấn công từ bàn đạp Bukrin. I. V Stalin chưa có được báo cáo về cuộc đổ bộ thành công của Tập đoàn quân 38 (Liên Xô) tại Lyutezh, phía bắc Kiev. Phải đến ngày 12 tháng 10, khi chắc chắn rằng Tập đoàn quân 38 trụ lại được, G. K. Zhukov mới nhắc đến căn cứ đầu cầu này trong một cuộc giao ban thường nhật tại Đại bản doanh. Nắm được tình hình thuận lợi tại phía bắc Kiev, I. V. Stalin ra lệnh cho N. F. Vatutin chuyển toàn bộ Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 3 từ khu vực Bukrin - Kanev về phía bắc Kiev. Mọi cuộc chuyển quân đều phải tiến hành vào ban đêm. Tập đoàn quân 40 cũng được lệnh chuyển lên phía bắc, vượt sông đánh chiếm thị trấn Tripolye, gần phía nam Kiev hơn 15 km, tiếp tục giam chân các sư đoàn xe tăng 24 và 48 (Đức) tại phía nam Kiev. Theo đề nghị của G. K. Zhukov, I. V. Stalin cũng đồng ý chuyển từ Phương diện quân Trung tâm Tập đoàn quân 60 đang phòng ngự ở đoạn hợp lưu giữa sông Tetryev và sông Dniepr cùng Tập đoàn quân 13 đang chiếm giữ bàn đạp Chernobyl cho Phương diện quân Voronezh. Tuyến phân giới giữa hai Tập đoàn quân được đẩy từ phía đông Svaromye lên phía bắc đến Loev (Loyew). Phương diện quân Trung tâm của K. K. Rokossovsky tập trung hoàn toàn vào hướng Nam Byelorussia và từ ngày 20 tháng 10, được đổi tên thành Phương diện quân Byelorussia. Phương diện Voronezh của N. F. Vatutin với 8 tập đoàn quân, trong đó có 1 tập đoàn quân xe tăng và 1 tập đoàn quân không quân đã có thể tập trung vào mục tiêu giải phóng Kiev. Từ ngày 20 tháng 10, phương diện quân này được đổi tên thành Phương diện quân Ukraina 1. Các tập đoàn quân 27 và 47 tiếp tục vượt sông chi viện cho các đơn vị tại căn cứ đầu cầu Bukrin, không cho Tập đoàn quân xe tăng 4 (Đức) rút thêm lực lượng ở hướng này về phía Kiev.

Đến cuối tháng 10 năm 1943, thế trận của Quân đội Liên Xô xung quanh Kiev đã hình thành chặt chẽ. Do các Phương diện quân Ukraina 2, 3 và 4 đồng loạt mở các chiến dịch tấn công vượt sông Dniepr đánh vào các hướng Kirovograd và Krivoy Rog, cánh Nam của Cụm tập đoàn quân Nam (Đức) đã không thể điều quân cứu viện cho cánh Bắc tại Kiev.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trận_Kiev_(1943) http://rkkaww2.armchairgeneral.com/maps/maps1943SW... http://www.czechpatriots.com/csmu/bri-combats.php http://www.czechpatriots.com/csmu/kiev1943CSMU.php http://www.infoukes.com/history/ww2/page-28.html http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,8... http://www.whatson-kiev.com/index.php?go=News&in=v... http://ww2stats.com/cas_ger_okh_dec43.html http://www.lexikon-der-wehrmacht.de/Gliederungen/K... http://www.homeoftheunderdogs.net/game.php?id=2480 http://web.archive.org/web/20090722015912/http://w...